Kế hoạch nội dung

SEO #4: Lên kế hoạch nội dung trong và ngoài Website.

A. Tổng quan về kế hoạch nội dung

Sau phần lên cấu trúc website chúng ta đến với phần lên kế hoạch nội dung và viết bài.

Để hiểu hơn về nội dung và kế hoạch cần lên, chúng ta đi sâu vào các khía cạnh dưới đây:

1. Nội dung trong SEO là gì?

Nội dung trong SEO là các bài viết, media, tài liệu hữu ích cho khách hàng và Google có thể tiếp cận và đọc được.

Có thể nói nội dung trong SEO đơn giản gồm các nội dung trên website bao gồm các page như Homepage (trang chủ), các page danh mục, các page sản phẩm dịch vụ, các post tin tức.

Các website lớn thường có thêm các page về wiki thư viện ngữ nghĩa, hay các thư viện video học liệu, PDF, …

Các website hay chạy phễu marketing về thường có thêm các Landing page, Pre Landing page để tối ưu chuyển đổi.

2. Kế hoạch nội dung là gì?

Kế hoạch nội dung là một bảng kế hoạch theo thời gian và các đề mục nội dung cần tạo.

Thường kế hoạch được tạo trọng thời gian từ 3-6 tháng để có thể tạo đầy đủ số lượng nội dung của website một cách cơ bản để SEO.

Sau khi viết nội dung chúng ta lưu lên Drive lưu trữ và để links vào kế hoạch để tiện theo dõi và đăng tải lên website.

3. Khi nào cần kế hoạch nội dung?

Kế hoạch nội dung cần ngay sau khi nghiên cứu từ khóa hoàn thành. Copywriter lên kế hoạch cùng SEOer để thúc đẩy nhau làm việc.

Một thời điểm khác nữa để lên kế hoạch nội dung là lúc chúng ta đã hoàn thành các chủ đề cũ trong kế hoạch trước. Bây giờ chúng ta nghiên cứu lại từ khóa và update lại thêm.

Khi có sự thay đổi về chương trình Marketing truyền thông thì có thể có thêm các nội dung khác cũng được tạo ra theo kế hoạch đi kèm.

4. Lên kế hoạch nội dung như thế nào?

Để lên kế hoạch nội dung chúng ta căn cứ vào một số định hướng dẫn dắt như sau:

Một là căn cứ vào phễu Marketing/Sale chuyển đổi, các điểm chạm từ page này đến page khác mà khách hàng cần đi qua.

Hai là căn cứ theo bảng từ khóa đã nghiên cứu, từ danh sách từ khóa chúng ta phân nội dung cần tạo cho nó.

Ví dụ từ khóa chính để bán hàng chúng ta cần đưa vào nội dung của trang landing page hoặc trang sản phẩm.

Đối với các từ khóa phụ về nhu cầu của khách hàng có thể nằm ở trang bài post blog tin tức. Ví dụ như từ khóa “Loại máy giặt nào tốt và tiết kiệm điện?”.

Cấu trúc tổng thể của nội dung website sẽ được trình bày ở các phần sau.

5. Ai là người phải lên kế hoạch nội dung?

Thông thường nhân viên SEO và Copywriter phối hợp với nhau để lên kế hoạch nội dung chi tiết.

Nhân viên SEO nắm toàn bộ kế hoạch để website SEO đùng hướng, đúng thời gian cần hoàn thành.

Còn nhân viên Copywriter nắm kế hoạch để thực hiện công việc hàng ngày của mình và bộ phận.

Đối với các doanh nghiệp có điều kiện thuê ngoài thì các Agency có thể là người nắm thêm kế hoạch.

B. Nguyên tắc ý tưởng nội dung

Để có thể viết nội dung tốt và đúng ý đồ Marketing, bán hàng và SEO chúng ta cần có một số nguyên tắc nhất định.

1. Sáu nguyên tắc lan truyền viral cho nội dung

Đầu tiên là sáu nguyên tắc cơ bản để viết nội dung có ích qua đó kích thích người dùng chia sẻ viral nó.

  • Sự hữu ích của content: Tiêu chí đầu tiên là sự hữu ích của nội dung, nó giúp được người dùng như thế nào.

  • Độ dài content: Độ dài của website phản ánh độ sâu chất lượng nội dung, nội dung đầu tư có nghiên cứu sẽ từ 4.000 – 5.000 chữ.

  • Manh mối dễ nhớ: Để content được kết nối và lưu trữ trong đầu người đọc, nó cần được rõ ràng và có ví dụ để hình dung.

  • Cảm xúc tích cực: Đó là nội dung kích thích sự chia sẻ những điều tốt đẹp, nội dung tích cực họ sẽ gửi cho bạn bè.

  • Sự công nhận của xã hội: Nếu nội dung được chia sẻ và tương tác nhiều, được sự công nhận của người đọc và chuyên gia thì sẽ được share nhiều hơn.

  • Kể chuyện: Sau cùng, để gần gũi và dành được tính cảm của người đọc, nên làm nội dung theo cách kể chuyện.

Trên là sáu nguyên tắc để nội dung cơ bản để chúng ta bám vào khi sáng tạo.

Sau này chúng ta có thêm công đoạn kéo traffic mà nội dung có khả năng viral là một lợi thế rất lớn.

2. Phễu Marketing/Sale, Pre Landing page, Landing page

2.1 Phễu Marketing Sale

Phễu Marketing/Sale là chủ đề mà tôi đã liên tục đề xuất cho các bạn.

Nó sẽ bám theo suốt chương trình Digital Marketing và SEO để tối ưu chuyển đổi.

Về cơ bản nội dung là phần thể hiện của phễu Marketing Sale một cách cụ thể.

Chúng ta cần viết nội dung có chủ đích ở các vị trí trên phễu Marketing Sale trên. Tìm hiểu sâu hơn về phễu Marketing Sale ở đây >>

2.2 Pre Landing page

Pre Landing page là trang có nội dung “kích thích xuất hiện nhu cầu” của khách hàng.

Khách hàng vào trang Pre Landing để đọc các nội dung và qua đó chìm vào bối cảnh sống giải quyết các vấn đề của mình.

Quy trình để tạo ra trang Pre Landing page như sau:

Bước 1: Tìm vấn đề/nỗi đau của khách hàng:

Nêu ra 10-20 vấn đề của khác hàng. Ví dụ: Điện thoại chơi game nhiều pin yếu; Chụp ảnh ban đêm ko rõ.

Từ vấn đề chỉ ra nỗi đau, cảm xúc. Ví dụ: Bạn bè chê cười tủi thân vì ảnh xấu; chơi game toàn thua nhục nhã”.

Bước 2: Viết ra điểm giá trị và khác biệt giải quyết nỗi đau của khách hàng:

Liệt kê tính năng của sản phẩm, Ví dụ: tốc độ 5G trên điện thoại.

Chuyển tính năng thành giá trị giải quyết vấn đề khách: Ví dụ xem film 4K cực đỉnh, chơi game cực nét phê không tưởng.

Khác biệt: Ví dụ điều khiển tính năng 5G bằng giọng nói.

Bước 3: Viết một câu chuyện liên kết bối cảnh khách hàng với sản phẩm:

Tôi ví dụ tiếp:

Câu chuyện về anh A làm nghề quay film, anh đi khắp nơi để ghi hình. Anh cần điện thoại có camera tốt, gửi dữ liệu cho editer nhanh và xem video độ phân giải lớn.

Anh rất bực mình vì điện thoại cũ nhanh hết pin, không có camera xịn để lưu lại những thức film theo cảm hứng, xem video không được nét.

Anh sản xuất được video film đạt giải bla blu, xong anh nhận được quà tặng là iphone 12.

Anh dùng đt mới IP 12 để đi quay film khắp nơi với những nụ cười trên môi.

Hãy sáng tác một câu chuyện hay để tạo ra bối cảnh đồng cảm của khách hàng. Khi họ đồng điệu rồi sẽ phát sinh nhu cầu.

Bước 4: Thêm các chứng nhận xã hội, khách hàng và độ trust:

Thêm nhận xét của khách hàng và người dùng khác: Khách hàng cần những người cùng hoàn cảnh đã chứng nhận. Họ sẽ không phải suy nghĩ nữa.

Thêm các chứng nhận của các cơ quan tổ chức: Các cơ quan tổ chức chứng nhận cũng rất quan trọng. Ví dụ trong lĩnh vực sức khỏe.

Thêm các links báo đài: Links nguồn thông tin để khách hàng tham khảo, họ đọc và thấy mình có cơ quan báo đài chứng nhận nên sẽ yên tâm hơn.

Bước 5: Thêm liên kết qua trang landing page, product page:

Trang Pre landing page là trang để tạo ra nhu cầu của khách hàng.

Sau khi kích thích nhu cầu của khách hàng, chúng ta cần liên kết qua trang landing page hay trang sản phẩm dịch vụ để họ đặt hàng.

Đặt links qua các button và text-links một cách tự nhiên và có tính kích thích click.

Bước 6: Tạo page:

Cuối cùng chúng ta gửi kỹ thuật code HTML hoặc dùng Ladipage thiết kế. Gửi kỹ thuật tạo link page riêng hoặc mình tự tạo ra link page.

Như vậy chúng ta hoàn thành trang Pre Landing page để truyền thông hoặc quản cáo rồi.

2.3 Landing page

Landing page là trang để chốt khách mua hàng hoặc thực hiện một mục đích nào đó như điền form thông tin.

Ở đây chúng ta tạm để Landing page là trang khách mua hàng tương tự như trang sản phẩm product page.

Để tạo trang Landing page chúng ta có các bước sau:

Bước 1: Lên khung của landing page mục đích bán hàng

  • Chỉ ra các pain point và giá trị giải quyết nỗi đau đó

  • Chỉ ra các tính năng của sản phẩm đi kèm giá trị

  • Đưa ra các selling point thuyết phục

  • Thêm câu chữ, hình ảnh, video

  • Các chứng nhận độ uy tín như review của khách, PR báo đài

  • Rating và comment của khách

Chúng ta theo khung nội dung trên để làm landing page, tùy theo mục đích và lĩnh vực kinh doanh mà điều chỉnh thêm.

Bước 2: Lên mockup giao diện trang

Mockup là giao diện demo chưa trang trí của landing page, chúng ta có thể vẽ trên excel hoặc các phần mềm như draw.io.

Sau khi hoàn thành mockup chúng ta design màu sắc và thêm hình ảnh cho đẹp.

Bước 3: Gửi Designer vẽ giao diện sinh động hơn

Tiếp theo chúng ta nhờ designer chuyên nghiệp design lại giao diện từ mockup sai cho đẹp.

Hình trên là landing page đã design xong và chờ cắt qua code HTML nữa.

Bước 4: Chuyển qua HTML để tải lên hosting

Bước cuối cùng để hoàn thành Landing page là chúng ta cắt HTML, bổ sung code tracking đầy đủ, mã schema nếu có và up lên hosting.

Như vậy chúng ta đã có một Landing page để phục vụ các mục đích khác nhau trong Marketing và bán hàng.

3. Bốn hình mẫu nội dung viết bài cơ bản

3.1 Guidebook

Dạng hình mẫu nội dung đầu tiên là Guidebook, chính là dạng sách hướng dẫn.

Dạng nội dung này dùng để hướng dẫn người dùng từng bước rất nhỏ chi tiết.

Nội dung này tương tự như một thư viện mở dạng Wiki. Cả Google và khách hàng đều thích nội dung chất lượng như vậy.

Chúng ta cần tìm chủ đề có độ rộng cao để có thể viết được dạng nội dung này.

Tương tự như một cuốn sách, chúng ta chia nhỏ các chương và bài chi tiết để đưa nội dung vào.

Chúng ta cũng có thể biên tập kèm video để người dùng có sự lựa chọn đa dạng xem nội dung.

3.2 Expanded List Post

Dạng tiếp theo cũng được người dùng và Google ưa thích là dạng list số lượng. Ví dụ như: 10 món ăn mùa đông giúp gia đình bạn ấm áp hơn.

Chính nội dung của Series SEO 101 cũng là dạng list content nếu chúng ta không chia nhỏ các bài nội dung ra.

Khách hàng có tỷ lệ click cao hơn hẳn với các nội dung là list content có các con số trong tiêu đề nội dung.

Họ cũng rất thích các nội dung bắt đầu theo 5W1H – Why (Tại sao), What (Cái gì), When (Khi nào), Where (Ở đâu) và 1H – How (Như thế nào).

Ví dụ: Làm thế nào để nấu món ăn ABC chuẩn đầu bếp 5 sao?

3.3 The Trademark Technique

Dạng bài viết thứ 3 là dạng viết nhằm thẳng vào sản phẩm thương hiệu của bạn.

Để biết dạng content này chúng ta sử dụng sự dẫn dắt câu chuyện từ vấn đề khách hàng.

Pre Landing page cũng là dạng content này, nội dung dẫn dắt và đưa người dùng vào bối cảnh có sử dụng sản phẩm.

Pre Landing page

Trên là dạng một Pre Landing page để chạy quảng cáo, khi viết “The Trademark Technique” chúng ta đưa nội dung lên blog thì cần sự chỉnh chu hơn.

The Trademark Technique viết dạng câu chuyện để kéo khách hàng là một nghệ thuật, đây là kỹ năng cần thiết số một của người làm Marketing.

3.4 Award Bait

Dạng nội cuối cùng là Award Bait, đây là dạng nội dung kiểu thống kê những nguồn content hay công cụ hữu ích.

Ví dụ: Danh sách 10 kênh Youtube hữu ích về học tập cho trẻ em.

Chúng ta biên tập ngắn gọn và chia sẻ trên blog hay các kênh social network để kéo tương tác và traffic.

Như vậy, tôi đã giới thiệu xong phần các nguyên tắc về ý tưởng nội dung. Chúng ta theo các checklist trên để tạo nội dung hữu ích cho người dùng và Google nhé.

C. Chuyển từ khóa qua nội dung

Chúng ta đã nắm được phần quy tắc và hiểu về các dạng nội dung trong SEO và Marketing cần thiết.

Bây giờ chúng ta đi đến phần thực hành nhiều hơn để tạo nội dung.

1. Các loại từ khóa cần nắm trong SEO

Để tạo được nội dung chúng ta cần từ khóa dẫn dắt, có ba loại từ khóa mà tôi đã đề cập ở phần SEO #2: Nghiên cứu Keyword và phân loại từ khóa.

Nếu các bạn chưa tìm hiểu nội dung trên thì dừng lại và đọc trước nhé, các phần tiếp theo của nội dung căn cứ vào đó.

Cụ thể chúng ta có ba loại từ khóa trong SEO cần nắm là:

Từ khóa chính cần SEO về dịch vụ sản phẩm: Thường từ khóa này là các từ khóa về dịch vụ sản phẩm. Chúng ta sử dụng để tạo nội dung page cần SEO như trang sản phẩm, danh mục quan trọng.

Từ khóa ngữ nghĩa Semantic Keywords: Đây là từ khóa ngữ nghĩa, thường là từ khóa bổ trợ cho từ khóa chính. Thường được đưa vào các post blog hoặc nằm ngay trong page SEO.

Từ khóa ẩn về nhu cầu Phantom Keywords: Cuối cùng là từ khóa ẩn về nhu cầu của khách hàng. Từ khóa này được sử dụng để tạo page SEO riêng, đưa vào page SEO chính hoặc làm post blog.

2. Dẫn đến các loại nội dung cần có

Từ từ khóa chúng ta sẽ dẫn qua các nội dung cần tạo. Chúng ta thêm cột đối chiếu ngay trên Excel để quản lý.

Cột content chính là nội dung đối chiếu được tạo theo từ khóa song song.

Chúng ta có thể lên các bài viết theo các từ khóa links với nhau như trên cho dễ hiểu và theo dõi.

3. Nội dung trong và ngoài website

Nội dung trong website sẽ bắt nguồn từ các từ khóa liên quan nhiều đến dịch vụ và sản phẩm chính. Còn ngoài website thì liên quan nhẹ như cùng ngành.

Trong website có các nội dung trên homepage, danh mục, product page, news,… Còn ngoài website thì nội dung đăng trên các blog vệ tinh và website cùng chủ đề cần đẩy Backlinks về.

Ở cột content trên file excel chúng ta thêm “blog” song song với từ khóa để note lại từ khóa này sẽ dẫn đến nội dung bên ngoài web.

4. Đa dạng hóa nội dung trên các kênh

Tiếp theo từ một nội dung chính chúng ta đa dạng hóa nội dung để đăng lên các trang như social network facebook, youtube, linkedin, …

Các trang này tối ưu với từng loại trải nghiệm đọc nội dung, chúng ta làm tương tác thương hiệu và kéo traffic về rất tốt.

Ví dụ nội dung SEO được đăng trên kênh Linkedin được design lại theo dạng ảnh để người dùng dễ đọc.

5. Thủ thuật để viết nội dung chuyên sâu

Nội dung có tính chuyên sâu được Google ưa thích thông thường hơn 2.000 chữ, khoảng 4.000 – 5.000 chữ sẽ rất tốt.

Có các từ khóa về ngữ nghĩa Semantic và từ khóa ẩn Phantom, bên cạnh đó là sự đa dạng trong nội dung.

Chúng ta sử dụng tip sau để tiến hành viết dễ dàng hơn:

  1. Đưa ra cỡ 20-30 mục con (theo Heading)

  2. Mỗi mục viết từ 150-200 từ

  3. Mỗi mục chia thành 5-8 câu

Chúng ta bám theo công thức trên và cứ thế viết theo từng mục, đảm bảo viết sâu theo từ khóa phụ phantom keywords và semantic keywords.

Chính bài viết này tôi cũng lên mục lục trước khi viết để có logic trong đầu cần trình bày gì và đỡ ngán khi viết.

6. Tạo nội dung bám checklist tối ưu Onpage SEO

Cuối cùng trong bước chuyển từ từ khóa qua nội dung, chúng ta cần bám các tiêu chí check list Onpage. Các bạn tìm hiểu ở đây >> (sheet onpage trong SEO Plan)

Sau khi xuất bản nội dung chúng ta sẽ check lại một lần nữa tối ưu Onpage như thế nào. Cụ thể bài tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn cụ thể các tiêu chí trong bảng.

D. Lên kế hoạch trên file Excel

Chúng ta đến với phần thực hành quan trọng tiếp theo là sử dụng file excel để lên một kế hoạch viết nội dung.

1. Lên mục tiêu viết bài cần đạt

Chúng ta lên mục tiêu gồm: Thời gian viết, số lượng bài theo tháng, tuần, ngày cần thực hiện.

Ví dụ: Thời gian: 6 tháng; Tổng số bài viết: 360 bài/6 tháng; 60 bài/tháng; 11 bài/tuần; 1,5 bài/ngày.

Các bạn xem phần kế hoạch nội dung này ở sheet “Content” trong SEO Plan. Xem ở đây >>

2. Lên sheet timeline và tiêu đề đi kèm

Sheet timeline trình bày tương tự hình trên, gồm tháng – tuần và thứ ngày. Sau đó chúng ta điền tiêu đề bài viết nội dung vào.

Nội dung được ưu tiên đã được đánh dấu lúc chúng ta lên danh sách từ khóa, giờ chúng ta đặt tiêu đề content theo từ khóa được chọn.

Chúng ta điền đầy đủ tiêu đề content cần tạo vào file excel và gửi các bạn làm content viết bài theo thời gian.

3. Đưa nội dung lên folder lưu trữ

Sau cùng, chúng ta tạo một vùng lưu trữ các bài viết. Ở đây tôi hay sử dụng Drive Google cho team.

Các bạn Copywriter viết nội dung xong và tải lên Drive, xong các bạn lấy links bài trên drive và đưa vào cột links trong file kế hoạc viết content.

Như vậy, chúng ta đẩy kế hoạc viết bài một cách nhanh chóng và rất dễ quản lý. Chúng ta cũng có thể đánh giá chất lượng nội dung ngay trong file nội dung và file kế hoạch content để các bạn cải thiện.

Phần thực hành trên excel lên timeline kế hoạch chỉ đơn giản vậy, phần quan trọng là biết cách phân loại từ khóa và chuyển qua content plan.

Tổng kết

Như vậy chúng ta đã đi hết phần SEO #4: Lên kế hoạch nội dung trong và ngoài Website.

Phần nội dung này rất quan trọng, làm nội dung tốt và chất lượng thì sẽ được khách hàng yêu thích và chuyển đổi bán hàng cao.

Bên cạnh đó thì thời điểm này Google đánh giá rất cao những website đầu tư cho nội dung bài bản chuyên sâu.

Chúng ta bắt đầu thực hành chuyên sâu từ bài này nhé!

Hẹn các bạn ở bài sau!

Last updated